Gia Cát Khổng Minh "điểm huyệt" phong thủy

4/6/130 nhận xét


Thầy phong thủy - Là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, Gia Cát Lượng rất chỉn chu với việc chọn nơi chôn cất cho chính mình. Theo di nguyện của Gia Cát Lượng, sau khi chết nơi đặt mộ của mình sẽ là núi Định Quân.

Người đời sau có câu: "Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn.", đế nói lên tài năng muôn đời của ông.

Có thể nhiều người nghĩ rằng những câu chuyện dưới đây là những điều hoang đường, rằng phong thủy chỉ có ý nghĩa tinh thần là chủ yếu. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, nếu biết vận dụng phong thủy một cách hợp lý thì không chỉ "hiểu thấu" thiên địa mà còn nắm được quy luật tồn vong của vạn vật.

Gia Cát Vũ Hầu "định" phong thủy:

Là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, Gia Cát Lượng rất chỉn chu với việc chọn nơi chôn cất cho chính mình. Theo di nguyện của Gia Cát Lượng, sau khi chết nơi đặt mộ của mình sẽ là núi Định Quân. Núi Định Quân nay nằm ở phía nam huyện Miễn, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nó là một nhánh đâm theo hướng Tây Bắc của dãy Hệ Mỹ Thương. Vì trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên mới có tên là núi Định Quân.

Một truyền thuyết khác nói rằng, khi Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt đã dùng ngọn núi này làm nơi tập Bát trận đồ, luyện tập binh lính nên mới có tên là núi Định Quân. Vì sao Gia Cát Lượng lại chọn núi Định Quân mà không chọn chôn cất ngay tại nơi ông mất hoặc mang hẳn về kinh đô nước Thục? Người ta đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau. 

Người nói Gia Cát Lượng chọn núi Định Quân là vì quan niệm khi sống thì quản lý nước Thục, khi chết thì bảo vệ nước Thục. Một thuyết khác lại nói rằng, do việc Bắc phạt thất bại nên Gia Cát Lượng không muốn đưa xác mình về chôn tại kinh đô, sợ bị Lưu Thiền trả thù. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân thuyết phục nhất vẫn là Gia Cát Lượng đã tính toán rất kỹ về phong thủy khi lựa chọn ngọn núi Định Quân này.

Địa hình núi Định Quân phức tạp, các sườn núi uốn lượn, nhấp nhô được coi là một nơi cực tốt về mặt phong thủy. Tuy nhiên, ngọn núi Định Quân thì quá lớn, vậy nếu như chỉ nói rằng chôn cất ở núi Định Quân thì các tướng lĩnh biết chôn cất Gia Cát Lượng ở đâu? Người ta nói rằng, chuyện này cũng đã được Gia Cát Lượng tính toán rất kỹ. Theo ghi chép, trước khi chết, về việc hậu sự của mình, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ rằng, sau khi mình chết thì bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ. 

Quân sỹ theo lời dặn, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng đi. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt. Tuy nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Quân sỹ vội tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra thì đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.

Thời Tam Quốc là thời kỳ "mộ tặc" lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn mộ tặc này. Tào Tháo vốn là một chuyên gia trộm mộ, vì vậy cũng trở thành một người tài năng trong việc chống lại mộ tặc. Nghi án về 72 ngôi mộ của Tào Tháo cho tới tận ngày nay vẫn chưa có lời giải và người ta vẫn chưa thể nào tìm thấy ngôi mộ thật của nhà chính trị lừng danh thời Tam Quốc này. 

đền thờ Gia Cát Lượng

Về mặt phong thủy, Gia Cát Lượng có lẽ không thua gì Tào Tháo, vì vậy, việc chống mộ tặc của Gia Cát Lượng cũng đặc sắc không kém. Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.

Tuy nhiên, những người đời sau để tưởng nhớ công đức của Gia Cát Vũ Hầu đã quyết định xây dựng khu mộ cho ông, lại còn trồng cây để ghi nhớ vị trí đặt mộ. Tuy nhiên, khi quyết định làm điều này, họ cũng tính đến việc giúp ngôi mộ chống lại mộ tặc. Vì vậy họ đã xây dựng rất nhiều ngôi mộ giả xung quanh ngôi mộ thật. Ngôi mộ mà ngay nay người ta vẫn gọi là "Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu" thực tế không phải là mộ thật. Nhiều người cho rằng, ngôi mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ "Mộ Vũ Hầu" mới là mộ thật. Vì vậy mà người Trung Quốc đến nay vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: "Mộ thật thì không thật mà mộ giả lại không giả". Ngôi mộ có tên là "Mộ Vũ Hầu" được đặt ở góc Tây Bắc của núi Định Quân, diện tích lên tới hơn 300 mẫu. 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngay cả ngôi mộ có tên "Mộ Vũ Hầu" này cũng không phải là thực. Ngôi mộ này được coi là ngôi mộ thật của Gia Cát Lượng chỉ mới bắt đầu từ năm 1799, do Đô đốc tỉnh Thiểm Tây là Tùng Quân khẳng định dựa trên những truyền thuyết lưu truyền trong dân địa phương thời đó. Vì vậy, có thể nói rằng cũng giống như Tào Tháo, cho tới nay người ta vẫn chưa thể xác định được mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở đâu.

Xem tướng đất, định đế đô

Theo ghi chép của sử sách, nguyên văn câu nói của Gia Cát Lượng là: “Chung Sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ” (Nghĩa là: Núi Chung Sơn có địa thế rồng cuộn, Thạch Thành có địa thế hổ chầu). Xin chớ xem thường câu nói của Gia Cát Lượng là quá ư đơn giản, bởi lẽ chỉ một câu nói ấy đã giúp thành phố Nam Kinh trở thành một trong 3 kinh đô phồn hoa và lâu đời bậc nhất trong thời phong kiến của Trung Quốc… 


Gia Cát Lượng là quân sư số 1 của Hoàng đế nhà Thục Hán- Lưu Bị thời Tam Quốc, một nhân vật truyền kỳ thời cổ đại. Đến thời Minh, cuốn tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” càng khiến cho Gia Cát Lượng trở nên nổi tiếng, tới mức nhắc tới cái tên Gia Cát Khổng Minh không ai là người không biết. 

Theo “Truyện Gia Cát Lượng” của bộ sử “Tam Quốc chí” thì Gia Cát Lượng tên tự là Khổng Minh, người Lương Nha Dương, nay thuộc Sơn Đông. Từ khi còn nhỏ, Gia Cát Lượng đã mồ côi cha vì vậy, vị thừa tướng nước Thục tương lai lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của người chú là Gia Cát Huyền. Cuối thời nhà Hán, quần hùng nổi lên như ong, tranh giành chém giết lẫn nhau, Gia Cát Huyền khi đó cũng là một nhân vật vào loại “có máu mặt”.

Khi Viên Thuật xưng đế, Gia Cát Huyền được y phong làm chức Thái thú Dự Chương, nay là Nam Xương, Giang Tây. Gia Cát Huyền mang theo Lượng cùng em trai của Lượng là Gia Cát Quân tới Dự Chương nhậm chức. Tuy nhiên, còn chưa tới nơi thì sự tình đã thay đổi, triều đình nhà Hán đã chọn một người khác gọi là Chu Hạo thay thế cho Gia Cát Huyền. Không còn cách nào khác, Gia Cát Huyền đành phải mang hai đứa cháu quay trở lại đến nhờ vả Kinh Châu mục Lưu Biểu, một tông thất nhà Hán, đồng thời cũng là người quen cũ của mình.

Sau khi Gia Cát Huyền qua đời, Lượng quay trở về quê, trồng rau nuôi tằm, sống một cuộc sống của người nông dân. Những lúc nông nhàn rảnh rỗi, Gia Cát Lượng thường ngâm vịnh bài “Lương phụ ngâm”, tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, những mưu thần nổi danh thời Chiến Quốc rồi than tiếc vì có tài mà không gặp thời. Những người dân trong vùng không tin một kẻ trồng rau cuốc đất như Gia Cát Lượng lại có tài kinh bang tế thế, cho rằng Lượng là một kẻ ba hoa. Chỉ có Thôi Châu Bình, Từ Thứ và một số bạn bè thân cận biết rằng, Lượng là một “ngọa long”, tài trí không hề tầm thường.

“Quý nhân” trong cuộc đời của Gia Cát Lượng không ai khác chính là Từ Thứ, người từng được Lưu Bị vô cùng coi trọng. Nhờ sự tiến cử của Từ Thứ trước khi lên đường sang Ngụy, Gia Cát Lượng mới được Lưu Bị ngưỡng mộ và quyết tâm mời bằng được. Sau “ba lần tới lều tranh” của Lưu Bị, Gia Cát Lượng mới quyết định “xuống núi” tham gia vào “đời sống chính trị” đầy phức tạp lúc bấy giờ. Sử chép, năm đó, Gia Cát Lượng mới 27 tuổi. 

Gia Cát Lượng không chỉ nổi tiếng như một nhà quân sự, một nhà chính trị mà còn biết đến như một chuyên gia về phong thủy thời cổ đại. Lúc bấy giờ, phong thủy học vẫn chưa được xác lập một cách chính thức, tuy nhiên, việc tìm hiểu và vận dụng phong thủy thì đã tồn tại. Thời Gia Cát Lượng, việc xem phong thủy được gọi là “tướng địa” (xem hình thế đất). Từ “phong thủy” chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời Đông Tấn khi một thầy phong thủy là Quách Phác đặt ra để gọi tên thuật “tướng địa”. 

Những nơi được Gia Cát Lượng xem địa thế và coi là nơi “bảo địa” về phong thủy ắt hẳn là rất nhiều nhưng nơi nổi tiếng nhất và có lẽ là thành công nhất chính là vùng đất khi đó có tên gọi Mạt Lăng, tức cố đô Nam Kinh, kinh đô của 10 triều đại sau này. 60 năm trước đây, Nam Kinh vẫn là thủ đô của Trung Quốc, là trung tâm về chính trị và kinh tế của chính quyền Quốc dân đảng. 

Vì sao Gia Cát Lượng lại nghĩ tới chuyện xem phong thủy cho Nam Kinh? Điều này chính sử không có ghi chép hầu hết chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà việc Gia Cát Lượng xem phong thủy cho đất Nam Kinh trở thành một câu chuyện đậm chất truyền kỳ. 

Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hán Hiến đế trị vì, thiên hạ đại loạn. Sau nhiều năm tranh giành, cuối cùng cũng hình thành 3 thế lực lớn mạnh nhất lúc bấy giờ gồm Tào Tháo ở phía Bắc, Tôn Quyền ở phía Nam và Lưu Bị ở phía Tây. Trong số đó, thế lực của Tào Tháo được coi là có lợi thế hơn cả vì có trong tay Hán Hiến đế và theo danh nghĩa, Tào Tháo vẫn là thừa tướng triều Hán. Đây là lý do khiến người đời gọi Tào Tháo là kẻ “ép thiên tử, hiệu lệnh cho các chư hầu”. 

Trước khi Tào đem quân xuống phía Nam, do thế lực còn yếu, quân Thục của Lưu Bị quyết định sẽ liên minh với Ngô chống lại Tào Tháo. Với tư cách là quân sư của quân Thục, Gia Cát Lượng được Lưu Bị phái sang Đông Ngô để thuyết phục Tôn Quyền liên minh với quân Thục. Gia Cát Lượng theo đường thủy tới Nam Kinh, sau khi lên bờ thì đi đường bộ qua núi Thanh Lương nằm ở phía Tây thành Nam Kinh cảm thấy ngỡ ngàng với cảnh tượng trước mắt. 

Dừng ngựa quan sát, Gia Cát Lượng phát hiện ra rằng khí thế của thành Nam Kinh hoàn toàn không tầm thường, hiện rõ khí thế đế vương. Tức cảnh sinh tình, ngồi trên lưng ngựa, Gia Cát Lượng cảm khái nói rằng: “Chung sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ, chân đế vương chi trạch” (Nghĩa là: Núi Chung Sơn có địa thế rồng cuộn, Thạch Thành có địa thế hổ chầu, thực là nơi ở của bậc đế vương). 

Câu nói này của Gia Cát Lượng dù không thấy được ghi chép trong cuốn sử “Tam Quốc chí” của tác giả Trần Thọ, song lại được rất nhiều sử sách khác ghi chép. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, câu nói của Gia Cát Lượng đã tạo nên một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thành Nam Kinh sau này.

Nói cách khác, Nam Kinh sở dĩ trở thành đất đế đô của 10 triều đại phong kiến thời cổ đại rồi trở thành thủ đô đầu tiên của Trung Quốc thời hiện đại tất cả là nhờ công của Gia Cát Lượng. Bởi lẽ nếu như không có câu nói này của Gia Cát Lượng thì kinh đô của Đông Ngô, vương triều đầu tiên định đô ở Nam Kinh có lẽ sẽ được đặt ở Vũ Xương và cảnh tượng “đế đô” phồn hoa đô hội của Nam Kinh có lẽ sẽ phải chậm trễ tới vài thế kỷ.

Tại sao Gia Cát Lượng lại rút ra kết luận Nam Kinh “nơi ở của bậc đế vương”? Theo các chuyên gia về phong thủy thì phần phong thủy mà Gia Cát Lượng nhìn thấy ở Nam Kinh nằm ở 4 chữ đầu tiên: “Chung Sơn long bàn, Thành Thành hổ cứ”. 

Nếu chiếu theo địa thế của Nam Kinh thời bấy giờ thì phía Đông của Nam Kinh là dãy Chung Sơn uốn lượn, hình dáng giống như một con rồng đang bay lượn còn ở phía Tây là thành Thạch Đầu (tức là núi Thanh Lương, nơi Gia Cát Lượng đi qua) được xây dựng ngay cạnh sông, hình dáng giống như một con mãnh hổ. Từ việc xem địa thế này mà Gia Cát Lượng rút ra kết luận: “Đây thực sự mảnh đất tốt để các bậc đế vương xây dựng sự nghiệp của mình”. 

Sau này, Tôn Quyền tin theo lời của Gia Cát Lượng, lại thêm sự kích động của Lưu Bị, Tôn Quyền đã quyết định dời kinh đô của Đông Ngô từ Vũ Xương tới Mạt Lăng, đổi tên nơi này thành Kiến Nghiệp, với ý là chọn nơi này làm nơi xây dựng bá nghiệp của mình. Mạt Lăng hay Kiến Nghiệp sau này chính là thành Nam Kinh ngày nay. 

Vì sao Lưu Bị cũng nói về chuyện phong thủy của Nam Kinh? Có phải là Lưu Bị nói theo Gia Cát Lượng? Tìm kiếm trong sử sách, người ta lại phát hiện ra rằng, hóa ra Lưu Bị cũng từng xem phong thủy cho Nam Kinh. 

Theo sách “Kiến Khang thực lục” thì vào những năm Kiến An, có lần Lưu Bị đi thuyền tới Kinh Khẩu, nay là Trấn Giang trên đường đi qua Nam Kinh đã lên bờ, đồng thời nghỉ đêm tại đây. Lưu Bị cảm thấy Nam Kinh là nơi đất tốt, là nơi có thể xây dựng sự nghiệp vì vậy sau này mới khuyên Tôn Quyền dời đô tới nơi đây. 

Theo các chuyên gia phong thủy, địa thế phong thủy của Nam Kinh tốt hơn hẳn so với các cố đô của Trung Quốc như Tây An, Lạc Dương. Duy nhất chỉ có Bắc Kinh có thể đem ra so sánh với Nam Kinh về phong thủy. Sách “Nhật hạ cự văn khảo” được biên soạn theo chỉ dụ của Càn Long dẫn lời sách “Dương Văn Mẫn tập” thời Minh viết: “Hình thế núi sông trong thiên hạ hùng tráng đẹp đẽ có thể trở thành đất kinh đô thì không nơi nào có thể bằng được Kim Lăng”. Đây có lẽ cũng là lý do mà Chu Nguyên Chương sau khi khởi nghĩa đánh bại nhà Nguyên đã quyết định chọn Nam Kinh làm kinh đô. 

Sử sách chép, năm Hồng Vũ thứ 2, tức năm 1369, Chu Nguyên Chương và quần thần họp bàn về việc lựa chọn nơi đặt kinh đô. Mặc dù từ đầu, Chu Nguyên Chương đã có ý dời đô, lựa chọn Bắc Kinh hoặc Quan Trung. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cuối cùng, Chu Nguyên Chương vẫn cho rằng phong thủy của Nam Kinh là tốt nhất. Theo sách “Minh Thái Tổ thực lục”, Chu Nguyên Chương đã nói: “Nay đất Kiến Nghiệp có sông Trường Giang hiểm trở, địa thế rồng cuộn hổ chầu, là nơi đất tốt của Giang Nam, đủ để là nơi lập nước…”. 

Hay “quỷ kế” phong thủy của Gia Cát Khổng Minh? 

Mặc dù là “nơi ở của bậc đế vương”, tuy nhiên, phong thủy của Nam Kinh cũng không thể đảm bảo rằng, vận mệnh của một vương triều có thể kéo dài mãi mãi. Ngược lại, có rất nhiều vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều rơi vào kết cục “đoản mệnh”. 


Sau khi Tôn Quyền chọn Nam Kinh làm kinh đô của Đông Ngô chỉ tồn tại được 59 năm, từ năm 229 tới năm 280 thì bị nhà Tây Tấn tiêu diệt. Điều kỳ lạ chính là, sau Đông Ngô, các triều đại tiếp theo lựa chọn Nam Kinh làm kinh đô cũng đều rơi vào cảnh “đoản mệnh” như vậy. Ngoại trừ nhà Minh nhờ vào việc dời đô tới Bắc Kinh nên tồn tại được 277 năm, còn lại 8 vương triều khác, nhiều nhất như Đông Tấn chỉ tồn tại 104 năm, có vương triều như Thái Bình Thiên Quốc chỉ tồn tại vỏn vẹn 12 năm. 

10 vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô thì có tới 9 vương triều “đoản mệnh”, một vương triều phải dời đô mới có thể kéo dài thời gian thống trị của mình. Điều này khiến người ta cảm thấy nghi ngờ về địa thế phong thủy được gọi là “nơi ở của bậc đế vương” của Nam Kinh. Chính vì thế, sau này tới thời Trung Hoa dân quốc khi quyết định chọn Nam Kinh làm thủ đô cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong bộ phận lãnh đạo chính quyền lúc bấy giờ. 

Vì vậy, ngày 14/12/1912, Tham nghị viện lâm thời của Trung Hoa dân quốc đã tổ chức một buổi họp để quyết định việc chọn lựa thủ đô. Sau rất nhiều tranh cãi mà vẫn không ai chịu ai, cuối cùng, người ta quyết định dùng hình thức bỏ phiếu để quyết định lựa chọn nơi nào làm thủ đô. Kết quả bỏ phiếu khiến Tôn Trung Sơn, người đã nhắm đất Nam Kinh từ trước vô cùng bất ngờ: Có tới 20 phiếu bỏ cho Bắc Kinh, trong khi đó Nam Kinh chỉ được 5 trên tổng cộng 28 phiếu bầu.

Vì đã có ý định chọn Nam Kinh làm thủ đô nên kết quả này khiến Tôn Trung Sơn tức giận. Với tư cách là Tổng thống lâm thời của chính phủ Trung Hoa dân quốc, Tôn Trung Sơn quyết định ngày hôm sau sẽ tiến hành bỏ phiếu lại, nhất định muốn lựa chọn Nam Kinh. Hoàng Hưng phối hợp với Tôn Trung Sơn uy hiếp các thành viên của Tham nghị viện nói: “Nếu như ngày mai không thực hiện theo ý của tiên sinh (Tôn Trung Sơn), tôi lập tức phái quân bắt các nghị viên nhốt lại”. 

Dưới sự uy hiếp, 27 người tham gia cuộc họp ngày hôm sau đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Kết quả bỏ phiếu ngày hôm sau khác hẳn, Nam Kinh được 19/27 phiếu, trong khi đó, Bắc Kinh chỉ còn lại 6 phiếu. Từ kết quả này, việc Nam Kinh được lựa chọn làm thủ đô của Trung Hoa dân quốc chính thức được thông qua. 

Vì sao việc “định đô” của Trung Hoa dân quốc lại gặp nhiều trở ngại như vậy. Có người cho rằng, việc cho rằng Nam Kinh là đất “đế đô”, trước nay chỉ dựa vào một câu nói của Gia Cát Lượng mà không có ai kiểm chứng. Vì vậy, người đời sau kể từ Tôn Quyền cho tới chính phủ Trung Hoa dân quốc đều trúng “quỷ kế” phong thủy của Gia Cát Lượng. 

Nhiều người cho rằng, Nam Kinh quả thực là đất có “vương khí”. Từ thời Tần Thủy Hoàng, “vương khí” này đã xuất hiện. Tuy nhiên, do địa thế phong thủy của Nam Kinh thiếu “Huyền Vũ ở phía sau”, lại thêm nằm quá gần dòng Trường Giang, hình thành thế “phía trước có gương”- đại kỵ trong phong thủy

Nước sông chảy quá nhanh khiến phong thủy liên tục xoay vòng, vương khí lộ ra quá nhanh khiến cho việc thay đổi các vương triều cũng diễn ra nhanh. Đây chính là lý do khiến các vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều gặp phải kết cục “đoản mệnh” chứ không thể xây dựng được một sự nghiệp lâu dài. Đây là khuyết điểm lớn nhất trong địa thế phong thủy của Nam Kinh, đồng thời cũng là một khuyết điểm “chết người”. 

Gia Cát Lượng vì muốn chuẩn bị cho sự thống nhất thiên hạ, khôi phục nhà Hán của Lưu Bị nên đã soạn ra âm mưu phong thủy thâm độc này để hãm hại Tôn Quyền. Đầu tiên hãy cứ lừa cho Tôn Quyền dời đô về Nam Kinh, vì dù nơi đây quả thực có vương khí song lại không bền lại từng bị Tần Thủy Hoàng “trấn khí” nên một khi Đông Ngô dời đô về Nam Kinh thì quân Thục sẽ chỉ còn một đối thủ duy nhất phải đối đầu chính là Tào Tháo mà thôi. 

Cách lý giải nói trên nghe có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, thực tế, nó chỉ là cách gán ghép của những người giàu trí tưởng tượng mà thôi. 

Các dãy núi tượng trưng cho rồng, nên thường gọi là “long mạch”, nơi long mạch cao lên người ta gọi là “long não”, nơi dãy núi bắt đầu gọi là “khởi long”, nơi mạch núi kết thúc gọi là “chú long” hoặc “long vĩ”,… Một nơi được gọi là “bảo địa” trong phong thủy thì phía sau lưng phải có long mạch đang tới, tức là phía sau lưng của nó phải có một dãy núi lớn hướng về, gần thì gọi là “tông sơn”, xa thì gọi là “tổ sơn” hay còn gọi là “tổ long”. 

Theo cách lý giải này thì việc cho rằng địa thế của Nam Kinh là “phía trước có gương”, phía sau không có núi là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ ở bờ phía Nam của Trường Giang có rất nhiều núi, vì vậy không thể nói là không có núi được. Chỉ có điều, các dãy núi này phần lớn đều là núi nhỏ. Nếu như nói địa thế phong thủy của Nam Kinh có khuyết điểm thì hình thế của các ngọn núi này mới chính là khuyết điểm. 

Ngoài ra, ngay cả khi Nam Kinh không có “tổ long” thì vẫn có “thủy long” lớn bậc nhất Trung Quốc chính là dòng Trường Giang. Con “thủy long” này xuất phát từ phía Tây, chảy cuồn cuộn về phía Đông khí thế vô cùng hùng vĩ, có thể 10 ngọn núi lớn cũng không thể bằng, người cổ đại gọi nó là “lạch trời”. Vì vậy, không thể nói Trường Giang chính là khuyết điểm trong địa thế phong thủy của Nam Kinh được, ngược lại nó chính là lợi thế khiến Nam Kinh trở thành mảnh đất đế đô khác hẳn với những kinh đô khác ở Trung Quốc thời cổ đại. 

Cũng có nhiều người lại cho rằng, việc các vương triều chọn Nam Kinh làm kinh đô đều “đoản mệnh” là vì ở Nam Kinh, khí âm quá mạnh, mà dương khí thì quá yếu. Thực tế, đây cũng là cách lý giải không đáng tin cậy. 

Từ góc độ phong thủy thì mộ phần và nước tượng trưng cho khí âm còn nhà ở và núi thì thuộc về dương. Các phía Bắc, Đông, Nam của Nam Kinh đều bị các mộ phần bao quanh, mới nhìn, tuy có vẻ như là âm khí quá mạnh. Tuy nhiên, “long đầu” là ngọn Chung Sơn, tòa vương phủ cũng như các tòa nhà tráng lệ trong thành Nam Kinh cũng khiến khí dương mạnh không hề kém. 

Vì vậy, không thể nói là địa thế phong thủy của Nam Kinh bị mất cân bằng giữa phần khí âm và khí dương được. Hơn nữa, ngay cả Bắc Kinh, Tây An nơi nào cũng bị các phần mộ bao vây xung quanh. Do vậy, không thể lấy điểm này để lý giải cho khuyết điểm phong thủy của Nam Kinh. 

Người ta thường nói, nhà ở thì gần nước, phần mộ thì gần núi, Nam Kinh gần sát sông Trường Giang, chính là nơi thích hợp nhất để con người sinh sống. Tổng kết lại, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều nằm cạnh sông. Vì vậy, việc Gia Cát Lượng cho rằng Nam Kinh là “nơi ở của bậc đế vương” là chính xác. 

Còn như việc sự tồn vong của một vương triều là do kết quả tất yếu của sự vận động của các điều kiện lịch sử chứ không liên quan gì tới địa thế phong thủy. Điều này có thể lấy ra rất nhiều ví dụ để minh chứng.

Theo sách “Tư trị thông giám”, Lương Nguyên Đế Tiêu Trạch xưng đế ở Giang Lăng, nay là Hồ Bắc, sau khi bình định Vũ Lăng Vương Tiêu Kỷ quyết định dời đô về Kiến Nghiệp, tức Nam Kinh vào năm 553.

Tuy nhiên, các đại thần phản đối, nói rằng, Nam Kinh “vương khí” đã tận, không thể chọn làm nơi định đô được. Tiêu Trạch đã nghe theo ý kiến này. Tuy nhiên, ngai vàng của Tiêu Trạch cuối cùng cũng không ngồi được lâu. Chỉ chưa đầy một năm sau đó, Tây Ngụy phát binh tấn công nhà Lương, tháng 11 năm đó chiếm thành Giang Lăng. Tiêu Trạch buộc phải đầu hàng, ít lâu sau đó thì tự sát. 

Một ví dụ khác chính là “vương triều” gần chúng ta nhất đã chọn Nam Kinh làm kinh đô: Chính quyền Trung Hoa dân quốc của Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch cho rằng phong thủy của Nam Kinh rất tốt, có “lạch trời” là Trường Giang nên quyết định “dời đô” về Nam Kinh những mong sử dụng uy thế của “lạch trời” để ngăn cản bước tiến của quân Cộng sản Trung Quốc. 

Lúc bấy giờ, bất luận là từ phương diện nào, quân của Quốc dân đảng cũng mạnh hơn quân của đảng Cộng sản. Thế nhưng, sau đó, quân Cộng sản Trung Quốc vẫn dễ dàng vượt Trường Giang tấn công rồi hạ thành Nam Kinh. Số phận của chính phủ Quốc dân đảng “đoản mệnh” như vậy là do địa thế phong thủy của Nam Kinh không tốt? Có thể khẳng định chắc chắn là không. Nguyên nhân chính trong sự thất bại của quân Quốc dân đảng ở Trung Quốc đại lục chính là sỹ khí và lòng người. 

Trên thực tế, những gì đã diễn ra trong lịch sử cho thấy, quyết định vận mệnh của một vương triều chính là bản thân vương triều ấy. Giống như câu nói của Lương Tiêu Đế Tiêu Trạch đã sớm nhận ra trước khi thất bại và buộc phải tự sát rằng: “Lành dữ là do mình, vận số là do trời, trốn tránh cũng đâu có ích gì?”.

Theo Dũng Đông - Hải Phong
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Chuyên gia phong thủy

Xem thêm »

Phong thủy gia đình

Xem thêm »

Vận Mệnh

Xem thêm »

Học Phong Thủy

Xem thêm »
 
TOP